Cuộc đời Quang_Tự

Xuất thân

Quang Tự Đế tên đầy đủ là Ái Tân Giác La Tải Điềm (愛新覺羅·載湉). Tải Điềm có quan hệ huyết thống gần với các Hoàng đế trong số các thành viên Hoàng tộc. Tổ phụ của ông là Đạo Quang Đế, tổ mẫu là Trang Thuận Hoàng quý phi Ô Nhã Thị. Thân phụ là Thuần Hiền Thân vương Ái Tân Giác La Dịch Hoàn, em cùng cha khác mẹ với Hàm Phong Đế. Thân mẫu là Diệp Hách Na Lạp Uyển Trinh, em gái của Từ Hi Thái hậu.

Xét vai vế gia tộc, Tải Điềm là cháu gọi Hàm Phong Đế bằng bác; gọi Từ Hi vừa bằng dì, vừa bằng bác dâu; và là đường đệ lẫn biểu đệ của Đồng Trị Đế. Điều này khiến ông trở thành ứng cử viên sáng giá cho vị trí Tân đế sau khi Đồng Trị băng hà.

Đại Thanh Hoàng đế

Tháng 12 năm Đồng Trị thứ 13 (1874), Đồng Trị Đế qua đời không con. Triều đình họp nghị chính để chọn ra người kế vị. Sau khi thống nhất, Từ AnTừ Hi Thái hậu hạ chỉ đưa Tải Điềm vào cung, chọn làm con nối nghiệp Hàm Phong Đế. Ngày 7 tháng 12, Tái Điềm lên ngôi, lấy hiệu Quang Tự (光緒), khi đó chỉ mới 4 tuổi.

Năm Quang Tự nguyên niên (1875), ngày 20 tháng 1, Quang Tự Đế chính thức đăng quang tại Thái Hòa điện, tế cáo Thiên địa, Tông miếu, Xã tắc. Sau đó đến Càn Thanh cung lạy trước ngự dung của Đồng Trị Đế, rồi Chung Túy cung lạy Từ An Thái hậu, Trường Xuân cung lạy Từ Hi Thái hậu, cuối cùng là đến Trữ Tú cung lạy Gia Thuận Hoàng hậu.

Theo Nguyễn Hiến Lê thì ngay từ khi vào cung, tiểu Hoàng đế đã bị Từ Hi ngược đãi, hơi chút là quát tháo, đánh đập, bắt quỳ vài canh giờ. Do vậy, Quang Tự sợ bà như cọp, bảo gì cũng nghe. Thậm chí từng có đồn đại rằng Thái giám Lý Liên Anh, vốn được Từ Hi sủng ái, cũng hùa theo ăn hiếp Quang Tự. Có thuyết cho rằng Quang Tự sủng ái Trân phi, khiến Hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp thị ghen tị. Trong lúc xảy ra Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn (năm 1900), dân gian đồn thổi Trân phi bị Lý Liên Anh xô xuống giếng chết[1].

Tuy vậy, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng Từ Hi rất thương Quang Tự. Bản thân bà mô tả Quang Tự: "từ nhỏ ốm yếu, tì vị hư nhược[2], lúc vào Tử Cấm Thành để lĩnh chỉ nối ngôi cũng không thể tự đi, phải có người ẵm. Hàng ngày ngự thiện phòng chuẩn bị mấy chục món ăn song đều không hợp khẩu vị của tiểu Hoàng đế. Có vẻ thân phụ mẫu không để tâm đến chế độ dinh dưỡng''[3]. Điều này cho thấy bà từng rất quan tâm Quang Tự, nhưng tính lộng quyền đã khiến bà quản thúc chặt chẽ từ việc triều chính đến chuyện ở hậu cung.

Quang Tự làm Hoàng đế chỉ là hư vị, mọi quyền hành đều nằm trong tay Lưỡng cung Thái hậu vốn đang thùy liêm thính chính. Chỉ dụ của Lưỡng cung gọi là Ý chỉ (懿旨), còn của Hoàng đế gọi là Dụ chỉ (谕旨)[4]. Năm Quang Tự thứ 6 (1880), Từ Hi Thái hậu lâm bệnh nặng[5], kéo dài đến tận sang năm[6]. Khoảng thời gian này, triều chính do Từ An Thái hậu một mình xử lý. Tháng 3 năm Quang Tự thứ 7 (1881), Từ An Thái hậu băng, Từ Hi Thái hậu bắt đầu một mình nhiếp chính.

Giữa năm 1881 tới 1883, Từ Hi Thái hậu chủ yếu trao đổi với các đại thần qua văn bản[7], còn Quang Tự Đế buộc thiết triều vài lần mà không có Từ Hi ở sau thính chính. Năm sau (1884), Từ Hi Thái hậu nắm lại quyền hành, không ai dám ngăn cản bà chuyên quyền, kể cả chính Quang Tự Đế[8].

Chính biến Mậu Tuất (1898) xảy ra, Hoàng đế Quang Tự bị giam 10 năm ở Doanh Đài, trong một căn phòng bẩn thỉu, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, chịu nhục nhã cho đến khi chết (1908). Lược theo Sử Trung Quốc (Tập 2, tr. 251). Tác giả Phổ Nghi cho biết cái chết của Quang Tự là một nghi án. Theo lời kể của viên thái giám già Lý Tường An, thì Quang Tự mất vì bị Khánh Thân vương Dịch Khuông và Viên Thế Khải đầu độc. Cũng có lời đồn đãi cho rằng do Từ Hi giết chết vì "bà không cam tâm chết trước vua Quang Tự" (Nửa đời đã qua, tr. 29-30).

Hoàng đế Quang Tự qua đời ngày 14 tháng 11 năm 1908 (một ngày trước khi Thái hậu Từ Hi mất) ở tuổi 37 và ở ngôi được 33 năm. Ông được quần thần tôn hiệu là Đức Tông - Đồng Thiên Sùng Vận Đại Trung Chí Chính Kinh Văn Vĩ Vũ Nhân Hiếu Mẫn Trí Đoan Kiệm Khoan Cần Cảnh Hoàng đế, gọi tắt là Đức Tông Cảnh Hoàng đế (德宗-景皇帝), hãn hiệu: Ba Đạt Cổ Đặc Thác Nhĩ Hãn (chữ Hán: 巴達古爾特托爾汗 - tiếng Mãn:Бадаргуулт төр хаан)

Kế ngôi Quang Tự là Ái Tân Giác La Phổ Nghi, tức Tuyên Thống Đế. Đây là vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại Mãn Thanh (1644-1912).